TRƯỢT BÁNH XE Ô TÔ: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH XỬ LÝ
Mục lục nội dung:
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự cố ô tô bị trượt bánh. Khi gặp tình huống này, lái xe cần chú ý quan sát, giữ bình tĩnh và thực hiện các kỹ thuật lái xe an toàn nhằm “giành lại” quyền kiểm soát vô lăng.
1. Hiện tượng trượt bánh xe ô tô
Hiện tượng ô tô bị trượt bánh xảy ra khi người lái đạp ga quá mạnh trong lúc xe đang tăng tốc khiến bánh xe bị trượt và quay nhanh hơn tốc độ di chuyển bình thường. Trượt bánh xe ô tô ít xảy ra trên đường nhựa mà thường xuất hiện khi xe sa vào bãi cát, bùn lầy hay vùng nước ngập.
Hiện tượng trượt bánh ô tô thường chia thành trượt bánh trước, trượt bánh sau và trượt qua lại kiểu ziczac. Ảnh: Spinsideout
Khi xe bị trượt bánh trên đường nhựa, hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ can thiệp ngay lập tức qua việc rà thắng và giảm ga nhằm giúp xe lấy lại cân bằng. Trong trường hợp xe không được trang bị hệ thống này, người lái có thể xử lý bằng cách nhả chân ga và rà nhẹ phanh bởi đạp mạnh sẽ gây khóa bánh, làm mất khả năng kiểm soát xe.
Trong tình huống xe bị trượt bánh trên cát hoặc bùn lầy, tài xế nên thả chân ga ngay lập tức và không tiếp tục đạp mạnh thêm bởi điều này có thể khiến xe bị lún sâu hơn. Thay vào đó, người lái nên nhấn ga từng nhịp để giữ bánh xe không bị trượt, đồng thời đánh tay lái qua lại một cách chậm rãi để các bánh xe lấy lại độ bám đường và thoát ra khỏi vũng sình lầy.
Để đảm bảo an toàn, người điều khiển phương tiện nên kiểm tra độ bám đường của vỏ xe trước mỗi chuyến đi bằng cách cảm nhận độ trượt bánh trong lúc chạy bên mép đường.
Trượt bánh ô tô có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau tùy theo xe dẫn động cầu trước hay cầu sau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hiện tượng này cũng có những lợi ích nhất định. Chẳng hạn như khi di chuyển trên đường bùn lầy hay trơn trượt, việc ô tô bị trượt bánh có thể giúp loại bỏ bùn đất ra khỏi bánh xe.
Trượt bánh trước thường xảy ra khi xe sa vào bãi cát hay bùn lầy. Ảnh: Maxtrax
2. Cách xử lý tình huống khi ô tô bị trượt bánh
2.1 Xe thiếu lái (trượt bánh trước)
Hiện tượng thiếu lái hay còn gọi là trượt bánh trước xảy ra khi bánh xe trước bị mất độ bám đường và xe không thể quẹo cua theo ý muốn người lái. Hiện tượng này thường xảy ra khi người lái vào cua ở tốc độ cao trên đoạn đường trơn trượt, góc cua nhỏ và rất dễ dẫn tới va chạm.
Kinh nghiệm xử lý an toàn trong trường hợp này là ngay lập tức bỏ chân ga và rà phanh một cách chậm rãi để xe giảm tốc tức thì. Lái xe tuyệt đối không cố gắng đạp mạnh phanh bởi làm vậy sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bó cứng phanh và khiến tình trạng trượt bánh xe thêm tồi tệ.
Để lấy lại độ bám đường của bánh và dễ dàng kiểm soát tay lái hơn, tài xế trả lái về hướng thẳng hoặc gần thẳng nhằm cân bằng chiều trượt và chiều lăn của bánh xe.
Lái xe lưu ý không nên cố gắng đánh vô lăng nhiều vì điều này chỉ khiến tình trạng trượt bánh thêm trầm trọng. Thay vào đó, tài xế nên tập trung xử lý chân phanh và chân ga.
Cuối cùng, khi xe đã giảm tốc và bánh trước xe dần lấy lại được độ bám đường, tài xế cần di chuyển thật chậm để đưa xe vào cua.
Trượt bánh trước xảy ra khi vào cua ở tốc độ cao trên đoạn đường trơn. Ảnh: Epermittest
Đối với những xe dẫn động bánh trước, hiện tượng trượt bánh trước có thể gây thiếu lái nghiêm trọng. Lúc này, người lái cần nhả ga và nhấn nhẹ phanh để làm cho trọng lượng dồn một ít về bánh trước. Nhờ đó, bánh trước xe có thể lấy lại độ bám đường. Sau đó, tài xế tiếp tục đánh lái để đưa xe về đúng hướng di chuyển.
2.2 Xe dư lái (trượt bánh sau)
Xe dư lái là hiện tượng bánh sau mất độ bám đường và nửa thân sau bị trượt sang một bên. Trượt bánh sau thường xảy ra trên những mẫu xe dẫn động cầu sau hay có trọng lượng dồn nhiều vào bánh sau như xe bán tải hoặc khi xe xuống dốc tại khúc cua hay khi người lái đạp ga tăng tốc trong khúc cua.
Cụ thể, khi người điều khiển phương tiện di chuyển quá nhanh và đạp phanh gấp lúc vào cua, trọng lượng của xe sẽ dồn vào bánh trước khiến bánh sau bị giảm áp lực dẫn đến mất độ bám đường và bị trượt bánh.
Kỹ thuật lái xe trong tình huống này là nhả chân ga để xe giảm tốc độ. Khi bánh xe tăng độ bám đường, lái xe có thể dễ dàng điều khiển vô lăng theo hướng mong muốn.
Ô tô bị trượt bánh sau. Ảnh: Torque
2.3 Xe trượt bánh qua lại kiểu “ziczac"
Hiện tượng này thường xảy ra khi người điều khiển phương tiện không xử lý triệt để tình trạng xe bị dư lái, dẫn đến hậu quả phần đuôi xe trượt qua lại theo hình ziczac và tạo ra xung lực. Nếu không xử lý kịp thời ở vòng trượt thứ 1 hoặc 2, xe sẽ bị quăng mạnh tại vòng trượt thứ 3. Ngoài ra, kiểu trượt bánh này còn có thể do tài xế đánh vô lăng quá mức.
Cách xử lý tình huống khi ô tô bị trượt bánh qua lại là lái xe xoay vô lăng vừa phải theo hướng muốn đi, nương theo lực quán tính đang đẩy xe đi trong lần dư lái thứ nhất. Ngay sau khi xe đã vào đúng đường, tài xế trả lái nhẹ nhàng, giữ cho bánh xe được cân bằng để trọng lượng phân bổ đều vào bốn bánh.
Ô tô bị trượt bánh qua lại kiểu ziczac. Ảnh: Churchill
Cuối cùng, để lái xe an toàn, tài xế cần rèn luyện khả năng quan sát để tìm chỗ hướng xe đến thích hợp khi bị trượt bánh và luôn giữ bình tĩnh để khống chế tay lái, không để xe đánh qua đánh lại.