MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG CỦA NGẬP NƯỚC ĐẾN XE & NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI XE BỊ NGẬP NƯỚC NGHIÊM TRỌNG
Mục lục nội dung:
1. Mức ngập nước thế nào sẽ gây hư hại nghiêm trọng cho xe
Nước ngập quá mép cửa dưới dễ làm xe hư hại nặng, trong khi đó nếu ngập hoàn toàn gần như "vô phương cứu chữa".
Ôtô thường được thiết kế để chịu nước vừa phải, ví dụ các gioăng cao su ở cửa để ngăn nước mưa/nước ngập vào khoang xe, hoặc thảm bọc sàn có lớp cao su để ngăn nước thâm nhập vào bề mặt sàn kim loại gây gỉ sét. Tuy nhiên khả năng chịu nước của xe có giới hạn, thời gian ngâm trong nước, loại nước, và độ sâu của nước là các yếu tố quyết định mức độ thiệt hại của xe khi bị ngập.
Đường gom đại lộ Thăng Long, Hà Nội ngập vào tháng 5/2022.
1.1 Ảnh hưởng của ngập nước đến xe
Lái xe trong vùng ngập có thể gây ra những ảnh hưởng khó lường, thậm chí là khi xe chỉ lội nước mà chưa ngập. Thường gặp nhất là sự cố về hệ thống điện, nước thâm nhập vào làm đoản mạch, gây lỗi hệ thống máy tính điều khiển các chức năng của xe, hoặc gây hỏng hóc các linh kiện điện tử. Nếu nước tồn tại lâu có thể gây gỉ sét mạch điện, khiến lỗi nghiêm trọng hơn.
Tiếp theo là các lỗi về cơ khí của xe. Khi đi qua chỗ ngập cao, nước vào họng gió có thể gây thủy kích, khiến máy hư hỏng nặng nề. Bên cạnh đó nước còn có thể thâm nhập vào các bộ phận ở gần gầm xe như mối nối, khớp bi, thanh giằng, bộ vi sai, khiến các bộ phận này bị trôi lớp bôi trơn, dễ bị mòn hơn nếu không kịp thời bảo trì.
Bên trong xe bị ngập, thảm sàn, ghế, các chi tiết bọc vải/da ẩm ướt là môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn hình thành, gây khó chịu hoặc kích ứng cho những hành khách hít phải. Cuối cùng, xe ngập nước liên tục dễ bị gỉ sét thân xe, nếu không xử lý vết gỉ sẽ lan rộng.
1.2 Độ hư hại với từng mức ngập nước
Theo các thợ kỹ thuật lâu năm, nếu xe ngập hoàn toàn trong nước, khả năng cao xe bị hư hỏng hoàn toàn, không còn an toàn, hiệu suất của xe khó khôi phục như ban đầu khi sửa chữa, chi phí sửa chữa cao.
Trong trường hợp nước ngập đến mép cửa dưới, xe vẫn có thể hoạt động bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng. Lúc này nên rửa xe thật sạch từ trong ra ngoài, làm khô để tránh vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi.
Nếu nước ngập qua mép cửa, hơn nửa bánh xe, cao ngang ghế, lúc này khả năng cao một số bộ phận trên xe đã bị ngập nước và không còn hoạt động một cách tối ưu nữa. Tài xế có thể ngăn chặn bằng cách không mở cửa cho đến khi di chuyển đến chỗ an toàn. Nếu đỗ tại chỗ ngập trong thời gian dài, nước sẽ thâm nhập vào khoang xe.
Các hệ thống điện của xe có thể sẽ bị hư hỏng trong trường hợp này. Cho dù máy có thể chưa vào nước, chi phí và thời gian sửa chữa các hệ thống điện cho xe cao. Đó là lý do một số công ty bảo hiểm coi xe ngập nước quá sàn là tổn thất toàn bộ.
Bên cạnh đó, loại nước ngập cũng quyết định độ hư hại của xe. Xe sẽ bị hư hỏng nặng hơn nếu ngập nước mặn, vì muối làm tăng tốc độ ăn mòn trên kim loại, và khó vệ sinh nếu đã thâm nhập sâu vào trong các bộ phận của xe.
Để tránh các tác hại của ngập nước đến xe, tài xế không nên ra đường nếu thời tiết xấu. Nếu có thể nên tránh di chuyển ở các cung đường ngập. Trường hợp bất khả kháng đi vào vùng ngập, nên đưa xe di chuyển đến chỗ an toàn và gọi cứu hộ.
2. Những việc cần làm sau khi ô tô bị ngập nước để tránh thiệt hại thêm nặng
Khi ô tô không may bị ngập nước, nếu tài xế biết cách xử lý kịp thời thì chi phí khắc phục sẽ không quá cao mà xe vẫn có thể hoạt động bình thường trở lại, không hư hỏng nặng đến mức phải "bổ máy".
2.1 Không cố khởi động xe
Khi nước ngập ngang nắp ca-pô hoặc khi xe đang lội nước thì chết máy, khả năng cao là nước đã lọt vào động cơ. Lúc này, việc cố gắng nổ máy sẽ khiến xe có nguy cơ bị thủy kích.
Nếu xe bị thủy kích, nhẹ thì tay biên có thể bị biến dạng, thành xi-lanh bị trầy xước; nặng hơn sẽ là tay biên bị gãy, chọc thủng thành xi-lanh, phá hủy động cơ, thậm chí gây vỡ lốc máy. Trong trường hợp này, chi phí thay thế phục hồi động cơ xe rất cao, dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy mức độ hư hỏng và tùy giá trị xe.
Với ô tô mới, việc "bổ máy" sẽ làm giảm từ 1/3 đến 1/2 giá trị xe và rất khó bán. Tuy nhiên, với xe ô tô bình dân đã qua sử dụng từ 10 năm trở lên, việc "bổ máy" không quá nghiêm trọng, hoặc thậm chí nếu cần thay máy mới lại là việc tốt, giúp tăng giá trị xe.
Do đó, khi xe bị chết máy khi đang lội qua chỗ ngập hoặc xe đã bị ngập nặng, tốt nhất là hãy đẩy xe tới chỗ khô ráo, nếu có thể, và gọi cứu hộ tới đưa xe về gara để kiểm tra và xử lý.
2.2 Liên hệ với công ty bảo hiểm
Khi xe gặp sự cố nói chung và ngập nước nói riêng, nếu đã mua bảo hiểm vật chất thì bạn hãy liên hệ ngay với hãng bảo hiểm để thực hiện các thủ tục đòi quyền lợi bảo hiểm. Tùy vào mức độ hư hại và hạng mục bảo hiểm mà bạn mua, hãng bảo hiểm có thể sẽ chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí sửa chữa.
2.3 Làm vệ sinh nội thất
Dù xe có được bảo hiểm hay không, bạn nên khẩn trương hong khô nội thất để tránh hiện tượng han gỉ, ẩm mốc và thậm chí trục trặc hệ thống điện.
Nước lọt vào bên trong xe mang theo cả đất cát mà khi nước rút đi sẽ đọng lại ở ngóc ngách và gây ẩm mốc. Để xử lý nguy cơ ẩm mốc và han gỉ, trước tiên cần mở tất cả các cửa xe, thấm hết nước đọng, ẩm ướt, sau đó tháo toàn bộ thảm sàn xe ra để vệ sinh, phơi khô.
Ghế ngồi và ốp cửa bằng nỉ hoặc vải cần được vệ sinh, sấy khô ngay sau khi xe ra khỏi chỗ ngập. Nếu chưa thể tới gara vì bất kỳ lý do gì thì chủ xe nên tự làm công việc này vì để lâu gây ẩm mốc sẽ khó xử lý hơn.
Các bộ phận mạ kim loại cần được lau khô, còn ốc vít các loại bên trong xe, như ở chân ghế, cần được sấy khô và tra mỡ để tránh hoen gỉ.
Nếu ô tô bị ngâm lâu trong nước, gầm xe có nguy cơ han gỉ rất cao. Nước và bùn đất cũng có thể lọt vào làm kẹt các khớp chuyển động của hệ thống treo, rô-tuyn hệ thống lái. Chủ xe nên sớm đưa xe tới gara chuyên nghiệp để kiểm tra và xử lý nguy cơ này
.
2.4 Xử lý nguy cơ trục trặc hệ thống điện và cảm biến
Dưới sàn ô tô có các giắc cắm và dây điện, nếu bị ngấm nước sẽ bị trục trặc. Do đó, sau khi ô tô ra khỏi chỗ ngập, cần kiểm tra các giắc nối, sấy khô để đảm bảo độ tiếp xúc. Hệ thống cảm biến cũng cần được kiểm tra kỹ.
Nhiều tài xế thấy mực nước ngập chưa ảnh hưởng tới động cơ, xe vẫn chạy bình thường dễ có tâm lý chủ quan mà không biết rằng hệ thống điện, dây dẫn và một số giắc nối bị ẩm nếu không xử lý ngay, để lâu ngày có thể gây oxy hóa, dẫn tới trục trặc các thiết bị điện và điện tử trên xe.
Ngoài ra, hệ thống nhiên liệu, lọc gió, phanh, máy nén điều hòa... cũng cần được kiểm tra, tùy mức độ ngập nước của xe.
2.5 Đưa xe tới xưởng sửa chữa uy tín để kiểm tra
Sau khi đã thực hiện những bước xử lý cơ bản sau khi xe bị ngập, bạn cần đưa ô tô tới xưởng sửa chữa có uy tín để kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ xe.