CÁC BƯỚC THAY VỎ DỰ PHÒNG & NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý
Mục lục nội dung:
Thay vỏ dự phòng ô tô thế nào là nhanh và an toàn nhất? Vỏ dự phòng chạy được bao xa, chạy được tốc độ bao nhiêu?
Hướng dẫn thay vỏ dự phòng ô tô
Các bước thay vỏ dự phòng ô tô:
Bước 1: Đậu xe nơi an toàn, trên địa hình phẳng
Trước khi tiến hành thay vỏ dự phòng cho ô tô cần đậu xe ở nơi đảm bảo an toàn, địa hình phẳng, tránh nơi dốc hay đất mềm dễ lún. Nếu xe đang ở gần đường thì nên cố gắng cho xe đậu càng xa luồng giao thông càng tốt. Sau khi đã đỗ xe ở vị trí an toàn thì kéo phanh tay, đẩy cần số về P. Lưu ý bật đèn báo khẩn cấp. Nếu buộc phải đỗ xe ở lề đường thì nên đặt cọc tiêu hay biển báo tam giác khẩn cấp cách 10 – 20 m để cảnh báo các xe khác.
Đậu xe nơi an toàn, trên địa hình phẳng
Bước 2: Chèn vỏ xe
Tìm tảng đá, cục gạch, thanh gỗ… gần đó để chèn vào phía trước và sau của vỏ xe sau để tránh bánh xe lăn tự do trong lúc thay vỏ.
Chèn vỏ xe trước khi thay vỏ
Bước 3: Chuẩn bị đồ thay vỏ
Đồ thay vỏ gồm có: vỏ dự phòng (thường được đặt ở dưới cốp xe hoặc dưới gầm xe), bộ dụng cụ thay vỏ và kích nâng gầm ô tô.
Chuẩn bị đồ thay vỏ
Bước 4: Đặt kích vào gầm xe
Đặt kích gần vị trí vỏ chuẩn bị thay. Kích phải nằm vuông góc với mặt đất. Đầu kích phải tiếp xúc với phần kim loại của khung xe. Tuyệt đối không đặt kích vào vị trí vỏ nhựa, ốp nhựa dưới gầm. Các dòng xe ô tô hiện nay thường có một rãnh hay vết đánh dấu cho người dùng biết vị trí đặt kích chính xác. Vị trí này thường cách 20 cm sau vỏ xe trước và trước vỏ xe sau.
Sau khi đặt kích vào đúng vị trí thì tiến hành nâng kích sao cho kích khít chặt vào khung xe. Lưu ý lúc này chưa cần kích nâng cao gầm, bánh vẫn cần nằm sát mặt đất.
Đặt kích vào gầm xe, nâng kích sao cho kích khít chặt vào khung xe
Bước 5: Nới lỏng đai ốc vỏ xe
Thao nắp đậy đai ốc. Sử dụng ống tuýp để vặn đai ốc theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Để tháo đai ốc sẽ cần dùng lực khá lớn. Nếu dùng tay không đủ sức thì có thể dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể hoặc bám vào xe dùng chân để đẩy ống tuýp. So với loại ống tuýp cầm tay tiêu chuẩn thì ống tuýp chữ thập sẽ tạo lực vặn lớn hơn.
Sử dụng ống tuýp nới lỏng các đai ốc vỏ xe
Bước 6: Kích gầm xe
Sau khi đã nới lỏng được tất cả các đai ốc thì kích gầm xe lên cao sao cho vỏ xe cách mặt đất tầm 2 cm, đủ khoảng trống để dễ dàng tháo lắp bánh xe.
Trong lúc kích cao gầm cần chú ý kích và xe phải ổn định. Nếu thấy kích hoặc xe bị rung lắc nhiều, kích bị nghiêng thì nhanh chóng cho hạ kích xuống, kiểm tra lại chỗ đặt kích rồi kích lại từ đầu.
Kích gầm xe lần nữa sao cho vỏ xe cách mặt đất tầm 2 cm
Bước 7: Tháo vỏ xe bị thủng
Tháo rời hoàn toàn các đai ốc ra khỏi vỏ xe. Dùng hai tay khéo léo nâng vỏ xe bị thủng ra khỏi trục và đặt ngay bên dưới gầm để phòng trường hợp nếu kích hỏng thì gầm xe cũng không bị đổ xuống.
Trong trường hợp vỏ xe bị gỉ sét khó nhấc ra có thể dùng búa cao su gõ ở phía trong hoặc dùng vỏ xe dự phòng để đập từ phía ngoài. Điều này sẽ giúp nới lỏng và dễ dàng tháo vỏ xe hơn.
Tháo rời hoàn toàn các đai ốc rồi tháo vỏ xe bị thủng ra ngoài
Bước 8: Lắp vỏ xe dự phòng
Từ từ nâng vỏ xe dự phòng lắp vào trục, chú ý căn chỉnh các ổ lắp đai ốc sao cho trùng khớp. Lưu ý lắp đúng hướng vỏ xe, tránh lắp ngược. Đầu van vỏ luôn hướng ra mặt ngoài.
Lắp vỏ xe dự phòng vào rồi lắp các đai ốc
Ban đầu chỉ cần lắp các đai ốc bằng tay. Sau đó dùng ống tuýp để siết chặt đai ốc. Thứ tự siết các đai ốc nên theo sơ đồ hình ngôi sao (bắt chéo nhau) để đảm bảo cân bằng. Không nên siết chặt hết mức từng đai ốc ngay mà hãy siết tuần tự xoay vòng. Mỗi đai ốc vặn một chút theo thứ tự, rồi lặp lại tiếp vòng siết thứ hai, thứ ba. Lưu ý ở bước này chưa cần dùng sức siết chặt bởi dễ khiến xe bị rung lắc, chỉ cần cố định đai ốc vào vị trí là được.
Bước 9: Hạ kích và siết chặt đai ốc
Từ từ hạ kích xuống đến khi vỏ xe chạm đất chắc chắn thì lấy kích ra. Dùng hết sức để siết chặt đai ốc theo thứ tự sơ đồ hình ngôi sao. Nên dùng toàn bộ trọng lượng cơ thể hoặc bám vào xe dùng chân để đạp ống tuýp siết chặt đai ốc.
Hạ kích rồi dùng ống tuýp siết chặt các đai ốc
Bước 12: Thu dụng dụ thay vỏ
Cất vỏ xe bị thủng vào vị trí để vỏ dự phòng, thu cất kích ô tô, bộ dụng cụ thay vỏ.
Lưu ý khi thay vỏ dự phòng
Khi thay vỏ dự phòng cần lưu ý:
Khoá chặt cửa xe, rút chìa khoá: Nếu chỉ đi một mình thì khi xuống xe hãy đóng kín hết các cửa sổ. Sau đó khoá cửa xe và giữ chìa khoá trong túi để đề phòng các tình huống xấu.
Chú ý quan sát xung quanh: Một nguyên tắc thay vỏ dự phòng là dù đã bật đèn cảnh báo hay ngay cả khi có biển tam giác cảnh báo thì trong quá trình thay vỏ cũng cần chú ý quan sát xung quanh. Nếu thấy có phương tiện chạy gần thì nên chủ động lánh sang một bên để nhường đường. Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra khi đang thay vỏ.
Không dùng kích tự chế: Tuyệt đối không xếp gạch hay dùng kích tự chế. Do trọng lượng xe rất nặng nên nếu sử dụng bất kỳ vật gì ngoài kích thì cả người và xe đều có thể gặp nguy hiểm khi thay vỏ.
Vỏ dự phòng chạy được bao xa?
Vỏ dự phòng là gì? Đúng như tên gọi vỏ dự phòng chỉ là vỏ xe dùng để dự phòng sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Thông thường vỏ dự phòng không được thiết kế để sử dụng thường xuyên.
Cũng có xe được trang bị vỏ dự phòng kích thước tương đương vỏ chính nhưng khá hiếm. Đa phần để tiết kiệm không gian và giảm thiểu trọng lượng, các xe đều có vỏ dự phòng nhỏ hơn vỏ chính. Nhất là với những xe cỡ nhỏ hạng A như Kia Morning, Hyundai i10, VinFast Fadil… do không gian hạn chế nên vỏ dự phòng thường rất nhỏ. Điều này khiến mặt tiếp xúc của bề mặt vỏ dự phòng với mặt đường luôn nhỏ hơn. Dẫn đến bộ bám đường thấp hơn, quãng đường phanh dài hơn so với vỏ chính.
Kích thước vỏ dự phòng thường nhỏ hơn vỏ chính
Khả năng vào cua, lái xe đường trơn, lái xe đường mưa và khả năng chống thủng vỏ khi gặp vật sắt nhọn của vỏ dự phòng đều không bằng vỏ chính. Điều này đồng nghĩa khi dùng vỏ dự phòng, hệ thống chống bó cứng phanh ABS hay chống trơn trượt sẽ không hoạt động hiệu quả như khi dùng vỏ chính.
Vỏ dự phòng cũng thường không bền và chịu tải tốt như vỏ chính. Sức mạnh của vỏ chủ yếu đến từ thép và polyester bên dưới phần cao su. Với vỏ dự phòng thì các thành phần này ít hơn, thậm chí chỉ bằng một nửa so với vỏ chính. Do đó sử dụng vỏ dự phòng nhiều có thể ảnh hưởng đến vấn đề cơ khí của xe.
Bộ vi sai giúp truyền lực động cơ đến các bánh xe. Đồng thời giúp bánh xe bên trái và phải chuyển động ở những tốc độ khác nhau trong trường hợp cần thiết như khi xe vào cua. Bởi lúc này, quãng đường của bánh xe bên trong ngắn hơn bánh xe bên ngoài. Do đó tốc độ các bánh xe cần được điều chỉnh khác nhau.
Còn khi xe chạy đường thẳng, bộ vi sai không hoạt động nhiều. Tuy nhiên nếu sử dụng vỏ dự phòng, do vỏ dự phòng kích thước bé hơn nên cần phải quay nhanh hơn để bắt kịp tốc độ của bánh xe đối lập cùng trục. Do đó sẽ làm bộ vi sai hoạt động nhiều hơn. Trong trường hợp thiếu dầu bôi trơn thì bánh răng hay tấm ly hợp có thể nhanh mòn hơn.
Không có đáp án cụ thể cho câu hỏi vỏ dự phòng chạy được bao xa. Nhưng theo các chuyên gia cũng như nhiều bác tài giàu kinh nghiệm, nếu vỏ dự phòng bé hơn vỏ chính, sau khi thay vỏ dự phòng hãy tìm nơi để vá vỏ chính và sử dụng lại vỏ chính càng sớm càng tốt. Không nên sử dụng vỏ dự phòng cho quãng đường dài.
Vỏ dự phòng chạy được tốc độ bao nhiêu?
Bởi kích thước nhỏ hơn, khả năng chịu tải yếu hơn nên các nhà sản xuất thường khuyến cáo chỉ cho xe chạy dưới tốc độ 80 km/h khi dùng vỏ dự phòng. Theo một số bác tài có kinh nghiệm, để an toàn tốt nhất chỉ nên chạy tầm 40 – 50 km/h. Nếu chạy nhanh thường sẽ có hiện tượng xe bị rung lắc, xe có tiếng kêu, nguy cơ thủng vỏ, nổ vỏ cao.
Xe thay vỏ dự phòng nhỏ hơn vỏ chính thường chỉ nên chạy tầm 40 – 50 km/h
Xe nào có vỏ dự phòng?
Đa số các dòng xe ô tô như Ford EcoSport, Mitsubishi Pajero Sport, Mitsubishi Xpander, Mazda 3, Hyundai SantaFe, Kia Sorento, Toyota Innova… đều được nhà sản xuất trang bị sẵn vỏ dự phòng. Tuy nhiên một vài năm gần đây, nhiều mẫu xe sang của các hãng như Mercedes, Audi, BMW, Lexus… đã chuyển qua sử dụng vỏ xe Runflat. Đây là loại vỏ dù bị thủng nhưng vẫn có thể di chuyển được. Do đó nhà sản xuất thường không trang bị vỏ dự phòng cho xe dùng vỏ Runflat.
Ngoài ra cũng có một số trường hợp xe không dùng vỏ Runflat nhưng cũng không có vỏ dự phòng. Nguyên nhân do kích thước các vỏ khác nhau. Khi này, nhà sản xuất sẽ dùng vỏ cao cấp và trang bị thêm cho khách hàng một bộ vá vỏ nhanh.
Ngoại trừ xe dùng vỏ Runflat thì đa phần các xe ô tô đều được trang bị sẵn vỏ dự phòng
Lưu ý khi sử dụng vỏ dự phòng
Vỏ dự phòng được làm từ cao su như vỏ chính nên cũng bị lão hoá theo thời gian. Do đó dù có sử dụng hay không thì vỏ dự phòng cần được thay mới sau 5 – 6 năm kể từ ngày sản xuất. Trong trường hợp vỏ còn quá mới thì nên đưa đến hãng kiểm tra lại. Tuyệt đối không sử dụng vỏ dự phòng sau 10 năm kể từ ngày sản xuất.