HƯỚNG DẪN LÁI XE AN TOÀN VÀ CÁCH XỬ LÝ KHI VỎ XE BỊ THỦNG
Mục lục nội dung:
Vỏ xe bị thủng có thể khiến xe chao đảo, rung lắc tay lái khiến người điều khiển mất bình tĩnh. Nắm các hướng dẫn lái xe ô tô khi bị thủng vỏ giúp người lái nhanh chóng phản ứng với tình huống và lái xe an toàn hơn.
Xe ô tô bất ngờ bị xẹp, nổ là điều không người lái nào mong muốn. Tuy nhiên nếu gặp sự cố này, người điều khiển cần bình tĩnh và áp dụng các cách lái xe hơi khi bị thủng vỏ an toàn. Ngoài các kiến thức về hướng dẫn lái xe ô tô khi bị thủng vỏ, người lái cũng nên tìm hiểu để cách xử lý tình huống hiệu quả để áp dụng khi gặp sự cố.
1. Hướng dẫn lái xe ô tô khi bị thủng vỏ
Một số kinh nghiệm lái xe khi ô tô bị thủng vỏ an toàn:
1.1. Giữ chặt vô lăng
Khi ô tô bị thủng vỏ, xe sẽ có hiện tượng chao đảo nhẹ, không bị mất cân bằng hoặc bị xóc nặng như khi bị nổ vỏ, nên thường dễ xử lý hơn. Lúc này, người điều khiển cần lấy lại bình tĩnh và tập trung quan sát tình huống, tay giữ chặt vô lăng, để tránh cho xe bị lắc và đi chệch vào các làn đường khác.
1.2. Bật đèn báo và giảm tốc độ
Bước xử lý tiếp theo là bật đèn cảnh báo để phát dấu hiệu đến những xe xung quanh đồng thời từ từ giảm tốc độ. Lưu ý không nên giảm tốc độ một cách đột ngột, phanh gấp, nhất là khi xe đang lưu thông với tốc độ cao hoặc trên đường cao tốc. Điều này có thể khiến xe phía sau không xử lý kịp dẫn tới va chạm.
Giảm tốc đột ngột còn dễ làm cho những vỏ xe còn lại mất độ bám và bị trượt, dẫn đến hiện tượng xe mất lái. Chính vì thế, để hạn chế các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra, người lái nên giảm tốc độ từ từ bằng cách giảm ga, kết hợp rà phanh.
1.3. Điều khiển xe trên mặt đường phẳng
Người lái nên cố gắng tránh né những đoạn có ổ gà, nhiều vật cản, gồ ghề,… trên đường. Bởi vì sức nặng của xe rất dễ làm vành xe bị cong vênh hay lệch khi va chạm.
Người lái cũng cần chú ý tới những đoạn có địa hình ẩm ướt, dễ sụt lỡ vì xe rất dễ bị mắc kẹt không thể di chuyển. Người điều khiển cần kết hợp bản đồ để lựa chọn tuyến đường bằng phẳng và di chuyển đến điểm sửa xe gần nhất.
1.4. Nên đi trên đường thẳng
Việc cua gấp khi lái xe sẽ dễ tác động lực lên vành xe, vì vậy người điều khiển nên ưu tiên lựa chọn những tuyến đường thẳng, đồng thời lái xe hướng theo đường thẳng với tốc độ vừa phải. Sẽ càng tốt hơn nếu người điều khiển duy trì xe chạy với tốc độ đều, điều này giúp xe giảm lực kéo bánh xe và tới điểm đích nhanh hơn.
1.5. Dừng đỗ ở nơi an toàn
Nếu người điều khiển đang duy chuyển trên đường lớn thì nên kiếm cơ hội để tách ra để tránh các phương tiện đang lưu thông khác. Lưu ý là sử dụng đèn khẩn cấp để thông báo cho phương tiện xung quanh và kéo phanh khi xe đã dừng hẳn.
Nếu trên xe có sẵn vỏ dự phòng và đầy đủ công cụ cần thiết, thì người lái nên tìm một nơi bằng phẳng và vắng xe qua lại để đỗ xe và tiến hành thay vỏ.
1.6. Không lái xe ô tô thủng vỏ đi quá xa
Việc lái xe đang bị thủng vỏ đi xa sẽ không đảm bảo an toàn cho người điều khiển và có thể ảnh hưởng đến những xe khác trên đường. Vì vậy, nếu không thể tìm được điểm dừng hợp lý trong phạm vi gần, thì người lái nên gọi cứu hộ càng sớm để được giải quyết nhanh nhất.
2. Dấu hiệu và nguyên nhân xe ô tô thủng vỏ
Một số dấu hiệu xe ô tô bị thủng vỏ có thể nhận biết được dễ dàng:
- Rung bánh xe: Đây là dấu hiệu đầu tiên dễ cảm nhận được nhất. Khi thủng vỏ, bánh xe sẽ rung làm ô tô chao đảo và vô lăng không ổn định.
- Mất lái nặng: Xe đột nhiên trở nên khó đánh lái, điều này thường liên quan đến việc vỏ xe bị xì hơi chậm (thủng chậm).
- Xe bẻ lái sang trái hoặc phải: Xẹp vỏ ở mức trung bình, người lái sẽ có cảm giác như xe đang bị kéo sang trái hoặc phải.
- Xe bị lật mạnh sang trái hoặc phải: Điều này thường liên quan đến việc bị nổ vỏ ở tốc độ cao, khi đó vỏ xe bị nổ hoặc rã ra khi bị thủng.
Ngoài các nguyên nhân gây thủng vỏ xe từ tác động bên ngoài như: vật nhọn, đinh, đá sắt, miếng kim loại… đâm thủng, thì còn một số nguyên phát sinh khác.
- Vỏ non hơi: Để bánh xe có thể chịu được trọng lượng của ô tô, thì áp suất vỏ phải đủ điều kiện tối thiểu. Nếu vỏ quá non sẽ khiến cho bánh xe nhanh chóng xẹp xuống do vỏ vỏ chịu áp lực lớn. Điều này làm tăng diện tích tiếp xúc giữa mặt đường và bề mặt vỏ, khiến cho vỏ dễ bị thủng hơn khi gặp vật nhọn.
- Vỏ quá cũ: Vỏ được sử dụng lâu ngày sẽ bị mòn và yếu hơn do các sợi cao su cấu thành vỏ bắt đầu bị tách ra, khiến vỏ dễ bị thủng hơn.
- Vận chuyển quá tải: Mỗi chiếc ô tô đều được thiết kế với mức tải trọng nhất định. Việc vận chuyển người hoặc hàng hóa vượt quá trọng lượng cho phép có thể khiến cho vỏ chịu áp lực lớn và bị thủng, ngay cả khi chỉ va vào ô gà.
3. Cách xử lý vỏ xe bị thủng
3.1. Thay vỏ dự phòng
Đây là cách xử lý xe bị thủng vỏ nhanh gọn nhất. Hiện nay hầu hết các dòng ô tô đều được trang bị thêm vỏ dự phòng và các công cụ cần thiết để thay. Người lái có thể tự thay, hoặc tìm hiểu thêm thông tin trên mạng Internet để biết cách thay vỏ. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện cũng có thể xin sự trợ giúp từ những người đi đường có kinh nghiệm. Tuy nhiên, vỏ dự phòng chỉ đảm bảo an toàn khi xe di chuyển với tốc độ không quá 80km/h.
3.2. Tự vá vỏ xe thủng
Nếu như trên xe không có sẵn vỏ dự phòng, người dùng có thể dùng bộ công cụ được cung cấp để vá vỏ ô tô. Tuy nhiên, công cụ đơn giản nên sẽ bị hạn chế về mặt chất lượng khi vá xe. Vì vậy, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời để kéo dài thời gian di chuyển của xe.
3.3. Dùng keo tự vá vỏ
Hiện nay trên thị trường có một loại keo tự vá vỏ ô tô. Cách dùng rất đơn giản đó là bơm keo tự vá vào bên trong bị trí, thông qua lỗ bơm hơi xe. Keo khi được bơm vào sẽ tự trám lỗ thủng. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, để đảm bảo an toàn thì người lái vẫn nên đưa xe đến điểm sửa chữa gần nhất để vá hoặc thay vỏ.
3.4. Tìm nơi sửa chữa gần nhất
Nếu không có đủ dụng cụ để tự sửa chữa thì người lái nên hỏi người dân xung quanh để tìm nơi sửa ô tô gần nhất. Đôi khi những garage nhỏ sẽ không hiển thị trên bản đồ tìm kiếm, vì vậy hỏi thông tin từ người sống ở khu vực đó sẽ có hiệu quả hơn.
3.5. Liên hệ cứu hộ
Nếu ô tô xảy ra sự cố ở nơi vắng vẻ, người điều khiển không có kinh nghiệm trong việc sửa chữa, thì nên gọi cho các dịch vụ cứu hộ gần nhất để được trợ giúp kịp thời. Không chỉ các trường hợp thủng vỏ, kỹ thuật viên có thể hỗ trợ sửa chữa máy móc và thay pin, sạc điện,...
4. Cách tránh thủng vỏ ô tô
4.1. Kiểm tra áp suất vỏ định kỳ
Vỏ xe lâu ngày sẽ bị thoát khí tự nhiên, vì vậy người dùng cần phải kiểm tra áp suất vỏ thường xuyên và bảo dưỡng vỏ xe định kỳ (đảo vỏ, cân mâm bấm chì, căn chỉnh thước lái,...), đặc biệt là trước các chuyến đi xa. Để tiện lợi thì chủ xe có thể trang bị thêm cảm biến áp suất vỏ để nhận được cảnh báo khi vỏ xe xảy ra hiện tượng bất thường.
4.2. Không dùng vỏ đã cũ, mòn
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất ô tô, thì vỏ xe thường có thời hạn sử dụng từ 5 - 6 năm. Vì vậy, người dùng nên chủ động thay vỏ khi gần đến thời hạn này, Ngoài ra, việc di chuyển ở các địa hình đặc biệt một cách thường xuyên có thể làm cho vỏ bị mòn. Để đảm bảo an toàn khi di chuyển, đặc biệt là khi trời mưa, thì người dùng nên thay vỏ xe khi phát hiện vỏ xe có dấu hiệu mòn.
Vỏ xe cũ, cao su bị lão hóa khiến chất lượng của vỏ bị giảm, dễ gây ra tai nạn giao thông