NHỮNG BỘ PHẬN TRÊN XE CŨ CẦN CHĂM SÓC ĐẶC BIỆT ĐỂ YÊN TÂM 'VI VU' DỊP TẾT
Mục lục nội dung:
Ô tô bình dân sau nhiều năm sử dụng thường nhanh xuống cấp, hay hỏng vặt. Tuy nhiên, chỉ cần chú ý bảo dưỡng các bộ phận dưới đây, chiếc 'xe cỏ' sẽ trở nên êm mượt, vận hành trơn tru để sẵn sàng 'vi vu' dịp cuối năm.
Càng vào dịp cuối năm, nhu cầu mang xe đến các gara, trung tâm chăm sóc xe để bảo dưỡng, sửa chữa và làm đẹp của người dân càng tăng lên. Đối với những chiếc ô tô bình dân đã hơn 10 năm tuổi, việc kiểm tra, chăm sóc các bộ phận của xe càng quan trọng bởi sau thời gian dài sử dụng liên tục, nhiều chi tiết nhanh xuống cấp, nguy cơ trục trặc giữa đường sẽ cao hơn.
1. Lốp xe
Lốp xe là bộ phận đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khi lái xe trên đường. Do đó, cần kiểm tra thường xuyên để yên tâm khi đi xa. Nếu lốp xe của bạn đã quá mòn, có dấu hiệu như rạn, phồng, ... hoặc đã sử dụng liên tục trên 5 năm thì đây là thời điểm tốt để thay một bộ lốp mới.
Những bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và hay bị trục trặc sẽ phải ưu tiên kiểm tra, bảo dưỡng trước
2. Hệ thống phanh
Phanh xe (thắng) theo thời gian sẽ bị mòn và chai cứng, mất dần tác dụng dẫn tới nguy hiểm, bất an và phiền phức cho người lái. Vì thế, trước những chuyến đi dài như dịp cuối năm sắp tới, chủ xe nên kiểm tra, bảo dưỡng, tra dầu mỡ cho các bộ phận của phanh xe để không gặp rủi ro đáng tiếc khi vận hành xe ô tô.
3. Hệ thống làm mát
Một chiếc xe ô tô không thể hoạt động một cách ổn định và bền bỉ nếu như thiếu nước làm mát. Với những dòng xe cũ đã dùng trên 10 năm, những bộ phận như bình nước, bơm nước, dây dẫn,... ít nhiều sẽ bị xuống cấp. Nếu hệ thống này bị trục trặc hoặc rò rỉ, hết nước làm mát còn gây ra nóng máy, quá nhiệt, bó máy,... rất nguy hiểm khi đi đường dài.
Một bộ phận của bơm nước làm mát bị ăn mòn dẫn đến hỏng hóc khiến nhiệt độ máy tăng cao
4. Ắc-quy
Ắc quy ô tô bị yếu là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến xe ô tô đề dai, khó nổ. Trường hợp bị hết điện bất thình lình sẽ phải kích, câu điện rất bất tiện. Việc ắc-quy yếu điện có thể là do các đầu cực bị mòn, dẫn đến kết nối kém hoặc ắc-quy đã quá "già". Các chuyên gia cũng khuyên rằng, để yên tâm, nên thay thế ắc quy định kỳ sau khoảng 2-3 năm sử dụng.
5. Kim phun, họng hút, bu-gi, lọc gió
Trên xe ô tô, các bộ phận kim phun, họng hút, bu-gi, dây cao áp, lọc gió,... ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành của xe. Những bộ phận này hoạt động tốt sẽ giúp tối ưu hóa công suất động cơ, tiết kiệm nhiên liệu, khiến chiếc xe di vận hành êm ái, trơn tru hơn.
Xe cũ cần được vệ sinh bu-gi, kim phun, họng hút và lọc gió trước những chuyến đi dài ngày
6. Bảo dưỡng bộ đề, máy phát điện
Củ đề (bộ đề) và máy phát điện là chi tiết có độ bền khá cao, rất ít khi xảy ra hỏng hóc. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc sử dụng không đúng cách, rất có thể vào một ngày nào đó chiếc xe sẽ gặp trục trặc, mất thời gian và công sức. Nếu các bộ phận này đã lâu chưa thay thế thì nên kiểm tra ngay. Việc kiểm tra bộ phận này khá đơn giản, không mất nhiều thời gian, chủ xe nên chủ động yêu cầu thợ sửa chữa kiểm tra bộ phận này khi đi bảo dưỡng.
7. Dây cu-roa
Dây cu-roa của xe giúp dẫn động cho các bộ phận như trục cam, bơm nước làm mát, hệ thống trợ lực, ... Nhưng bộ phận này sau một thời gian sử dụng sẽ bị hư hỏng, mòn, nứt và có thể bị đứt bất cứ lúc nào. Khi đó sẽ rất phiền phức, mất thời gian và tiền bạc. Do vậy, cần kiểm tra tình trạng thường xuyên và đừng tiếc tiền thay thế dây cu-roa nếu đã "quá date".