NGUYÊN NHÂN TAY LÁI XE MÁY BỊ RUNG TÊ TAY VÀ CÁCH KHẮC PHỤC
Mục lục nội dung:
Tay lái xe máy bị rung tê tay là tình trạng mà người điều khiển có thể gặp trong quá trình sử dụng. Khi nhận thấy có dấu hiệu này, người lái nên tìm hiểu, xác định nguyên nhân để có cách khắc phục hiệu quả. Việc xử lý sớm giúp hạn chế các rủi ro không đáng có trong quá trình điều khiển xe máy.
Tay lái xe máy bị rung gây ảnh hưởng đến khả năng điều khiển và làm chủ phương tiện của người lái. Đây là dấu hiệu cho thấy xe đang gặp trục trặc, cần được kiểm tra và sửa chữa sớm. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ các bộ phận, linh kiện của xe đang gặp vấn đề như: cổ phuộc bị hỏng, vành xe bị cong lệch,...
1. Hiện tượng rung tay lái ở xe máy
Sau một thời gian dài sử dụng, một số xe máy xuất hiện tình trạng tay lái bị rung lắc khi di chuyển. Tay lái xe máy bị rung làm cho người dùng rất khó điều khiển ổn định. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này sẽ gây bất tiện và thậm chí nguy hiểm cho người lái khi tham gia giao thông.
Tay lái bị rung khi điều khiển xe máy là tình trạng thường gặp (Nguồn: Sưu tầm)
2. Nguyên nhân tay lái xe máy bị rung tê tay
Hiện tượng tay lái xe máy bị rung khi điều khiển xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một vài lỗi chủ yếu dẫn đến tình trạng này:
2.1. Cổ phuộc của xe bị hỏng
Cổ phuộc xe máy có vai trò điều hướng và chịu lực tác động từ hệ thống giảm xóc phía trước. Nếu bộ phận này bị hư hỏng, tay lái sẽ hoạt động thiếu ổn định. Dấu hiệu dễ nhận thấy là khi đi vào các khu vực địa hình xấu, đầu xe rung lắc và kêu lộc cộc.
Cổ phuộc bị trục trặc chủ yếu do không được vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên hoặc cũng có thể do va chạm trong quá trình điều khiển gây ra. Trong nhiều trường hợp, việc lắp bi không đúng tiêu chuẩn cũng có thể khiến bộ phận này bị lỗi. Ngoài ra, thói quen chở đồ nặng lâu ngày sẽ dồn áp lực lên phanh trước dẫn đến làm giảm tuổi thọ của cổ phuộc.
2.2. Hệ thống giảm xóc gặp vấn đề
Hệ thống giảm xóc gặp vấn đề cũng là nguyên nhân khiến tay lái xe máy bị rung lắc. Một số trục trặc thường gặp như sau:
- Bộ đôi lò xo phía trước bị hỏng, không thể hoạt động được.
- Đôi lò xo không đồng đều.
- Một bên lò xo bị kẹt cứng.
- Lượng dầu bên trong xi-lanh của bộ đôi lò xo trước không bằng nhau.
Trong trường hợp này, chủ xe nên đưa phương tiện đến các trung tâm sửa chữa để được khắc phục kịp thời.
2.3. Vành xe bị biến dạng
Vành xe bị cong do va chạm hoặc tai nạn sẽ khiến lốp xe bị lệch khỏi vị trí ban đầu, từ đó dẫn đến hiện tượng tay lái xe máy bị rung tê tay. Chủ xe nên tiến hành kiểm tra và khắc phục sớm để tránh gây bất tiện cho quá trình điều khiển.
2.4. Ổ bi gặp vấn đề
Một số vấn đề trục trặc ở ổ bi có thể khiến tay lái bị rung lắc gồm:
- Lòng nồi đựng bi đã bị khuyết, mòn hoặc không đồng đều.
- Ổ lắp bi bị nghiêng hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu.
- Bi bị méo, rỗ hoặc có chất lượng kém.
- Đai ốc không được khóa chặt khiến côn bị xoay, dẫn đến kẹt cứng tay lái.
- Số lượng bi trong ổ không đủ.
Nếu nguyên nhân tay lái bị rung lắc đến từ ổ bi, chủ xe nên đem phương tiện đến các trung tâm sửa chữa để được khắc phục nhanh chóng.
Tay lái xe máy bị rung do nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguồn: Sưu tầm)
2.5. Lốp xe gặp vấn đề
Lốp xe gặp vấn đề là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng rung lắc tay lái ở xe máy. Do đó, người sử dụng phương tiện nên kiểm tra bộ phận này trước tiên nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường trong lúc điều khiển:
- Áp suất lốp xe máy không đạt từ 1,8 - 2kg/cm2.
- Lốp bị mòn nặng do sử dụng quá lâu.
- Vết vá trên bánh xe bị vênh hoặc dày quá mức cho phép.
Tất cả các trường hợp trên đều có thể khiến tay lái bị rung lắc, khó điều khiển. Trong trường hợp lốp chưa đủ áp suất, người dùng cần bơm lốp xe. Còn đối với trường hợp lốp bị mòn, vết vá trên vết xe bị vênh,... chủ xe cần thay mới để hạn chế những trục trặc không đáng có.
3. Cách khắc phục tay lái xe bị rung
Khi nhận thấy hiện tượng tay lái xe máy bị rung khi điều khiển, chủ xe nên tìm hiểu nguyên nhân chính xác để có cách khắc phục phù hợp và hiệu quả. Tùy vào từng lỗi gặp phải, giải pháp xử lý sẽ khác nhau:
- Trường hợp lốp xe gặp vấn đề: Duy trì mức áp suất ổn định từ 1,8 - 2 kg/cm2, tránh tình trạng non hơi hoặc quá căng gây ảnh hưởng đến việc điều khiển. Ngoài ra, chủ xe nên thường xuyên kiểm tra, thay mới lốp xe nếu nhận thấy dấu hiệu bị mòn.
- Trường hợp cổ phuộc bị hỏng: Chủ xe nên đưa phương tiện đến các trung tâm sửa chữa để được xử lý kịp thời. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, người dùng không nên chở đồ quá nặng hoặc lạm dụng phanh trước vì dễ khiến cổ phuộc bị cứng và giật.
- Trường hợp vấn đề xảy ra do hệ thống giảm xóc, vành xe, ổ bi: Người sử dụng phương tiện nên đem xe máy đến các đơn vị sửa chữa để được kiểm tra, xử lý hoặc thay mới.
Kiểm tra để khắc phục sớm tình trạng tay lái bị rung khi điều khiển (Nguồn: Sưu tầm)
Tay lái xe máy bị rung tê tay là vấn đề khá phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, trong quá trình sử dụng phương tiện, người lái nên bảo dưỡng xe định kỳ để đảm bảo vận hành luôn ổn định.