CÔNG NGHỆ AN TOÀN (P.1): NGƯỜI VIỆT DẦN COI TRỌNG YẾU TỐ AN TOÀN KHI MUA ÔTÔ
Mục lục nội dung:
Khi những rủi ro tai nạn ngày càng tăng, đặc biệt trên cao tốc, yếu tố an toàn trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu với người dùng ôtô.
Sau nhiều năm đi chiếc crossover cỡ C, Thanh Bình (Hà Nội) quyết định "nâng cấp cuộc sống" cho gia đình bằng cách đổi ôtô. Cần làm "hình ảnh" để phục vụ công việc kinh doanh online, vợ Bình muốn một dòng xe sang gầm cao mà cô thấy các hotgirl hay chụp ảnh cùng. Vốn chiều vợ, Bình quyết định ngay không lăn tăn. Nhưng tất cả thay đổi, sau khi màn hình điện thoại hiển thị tin nhắn thông báo về vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ.
"Tôi không tưởng tượng được những gì vừa diễn ra, giật mình vì trước giờ không mảy may tới yếu tố an toàn lúc chọn xe", Bình nói.
Sau vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ, không ai thiệt mạng. Hồi đầu năm, một vụ tai nạn liên hoàn khác với tình huống tương tự trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng không ai tử vong. Không có kết luận nào từ cơ quan chức năng, nhưng bản thân người trong cuộc, những người ngồi trên hai chiếc Volvo trong hai vụ tai nạn, ít nhất cũng tự cảm nhận được rằng, mình chọn đúng xe.
Hiện trường vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ hồi tháng 8
Tất nhiên, Volvo không phải hãng duy nhất hướng tới sự an toàn. Trong vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ, người ta còn thấy có Mercedes, có Toyota, có Ford... Các hãng xe hiện nay, đều đổ nhiều tiền của vào các công nghệ an toàn, nhưng không phải người sử dụng nào cũng hiểu rõ và lựa chọn đúng mẫu xe phù hợp.
"Kể từ sau những vụ tai nạn, đặc biệt tai nạn liên hoàn trên cao tốc, người mua xe ngày càng biết sợ", Hùng Phạm, người kinh doanh xe sang hàng chục năm đánh giá. Theo Hùng, người Việt, đặc biệt những người trẻ, ngày càng đề cao tính an toàn khi tìm hiểu về ôtô, bởi suy nghĩ cho gia đình.
Chỉ vài năm trước, các số liệu cho thấy "An toàn" chưa phải là một yếu tố quá quan trọng với người dùng Việt. Một khảo sát năm 2022 của YouGov (công ty Anh chuyên phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường thành lập năm 2000), với trên 1.000 người tại mỗi nước, có 77% người tiêu dùng toàn cầu muốn có càng nhiều tính năng an toàn trên xe của họ càng tốt. Trong đó, số liệu tại Việt Nam là 72%, dưới mức trung bình 77%.
Nhưng cũng khảo sát này, vào tháng 9 năm nay, "An toàn" đã tăng lên hạng hai, chiếm 31%, xếp sau "Giá" (33%) và đứng trên "Vận hành" (26%). Điều này cho thấy sự chuyển dịch của người tiêu dùng trong thứ tự ưu tiên các yếu tố khi mua xe.
An toàn trên ôtô bao gồm những gì?
An toàn trên ôtô gồm thụ động và chủ động. Hiểu đơn giản, hệ thống an toàn thụ động được "kích hoạt" khi xảy ra tai nạn hoặc va chạm, có tác dụng lớn để giảm thiểu thiệt hại cho xe lẫn bảo vệ những người ngồi bên trong. Các thành tố của an toàn thụ động bao gồm dây an toàn, túi khí, các vùng hấp thụ xung lực (crumble zone) của khung xe, tựa đầu bảo vệ cổ, kính chịu lực, khung xe chịu lực.
Trong khi đó an toàn chủ động trên xe có nhiệm vụ chính là giảm thiểu tỷ lệ tai nạn hoặc va chạm, hoặc giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn. Bằng cách dùng các camera, cảm biến, radar để liên tục giám sát, đánh giá tình trạng của xe, các phương tiện/con người xung quanh, hệ thống an toàn chủ động sẽ đưa ra các cảnh báo hoặc can thiệp vào phanh, tay lái để giúp tài xế tránh những tai nạn có thể xảy ra.
Một tình huống thử đâm va của NCAP. Ảnh: Global NCAP
Ngoài những tính năng quen thuộc như ABS, cân bằng điện tử, camera lùi, cảm biến... thì ADAS (Advanced Driver Assistance Systems - Hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến) đang là "mốt" của ngành công nghiệp ôtô.
Theo số liệu đưa ra bởi Markets and Markets, quy mô thị trường ADAS toàn cầu (bao gồm phần cứng và phần mềm) ước tính đạt 30,9 tỷ USD vào năm 2022, và dự kiến sẽ đạt 65,1 tỷ USD vào năm 2030.
Sự phát triển của công nghệ, sự giao thoa trong vốn đầu tư toàn ngành cũng như những yêu cầu khắt khe của các chính phủ khiến yếu tố an toàn đang dần giao thoa, chia đều từ các hãng xe sang, cao cấp tới các thương hiệu phổ thông. Volvo nổi tiếng an toàn, và sau khi Geely mua cổ phần lớn ở hãng xe Thụy Điển, ông lớn Trung Quốc đã tận dụng việc này để cung cấp nhiều công nghệ an toàn lên Lynk & Co hay các thương hiệu con khác, không thua kém gì Volvo. Với lợi thế công nghệ phát triển nhanh ở đất nước tỷ dân, các thương hiệu Trung Quốc như Lynk & Co thậm chí còn tạo áp lực lên các thương hiệu toàn cầu.
"Hướng dẫn sử dụng" công nghệ an toàn
Đắp nhiều công nghệ lên xe là chuyện không khó với các hãng hiện nay, đặc biệt khi các nhóm công nghệ dần được tổ hợp thành các module gọn nhẹ trên xe, trang bị thành từng "cục". Các chuyên gia lái xe an toàn cho biết, người dùng cần tỉnh táo khi chọn xe để tránh rơi vào bẫy "option". Danh sách dài cả trang A4 các công nghệ an toàn sẽ là vô nghĩa, nếu khả năng làm việc của chúng không chính xác. Vì vậy, thử nghiệm các công nghệ là điều quan trọng, và quan trọng hơn cả là an toàn thụ động phải được đảm bảo.
An toàn thụ động là lá chắn cuối cùng cho người trên xe, đặc biệt là các tai nạn ở tốc độ cao trên đường cao tốc. Có một nơi để người dùng hiểu rõ những việc này là thử nghiệm an toàn của các cơ quan độc lập như NCAP hay IIHS. Những cú đâm va như trời giáng ở nhiều góc độ lên thân xe là câu trả lời chính xác nhất cho việc chiếc xe có bảo vệ người tốt hay không. Chính vì thế, những chứng nhận về an toàn của các tổ chức độc lập này giờ đây trở thành lợi thế bán hàng của nhiều hãng xe.
Hiện không có quy định nào về việc các hãng xe bắt buộc thử nghiệm độc lập và đăng tải kết quả thử nghiệm đâm va, nên thông tin này không đầy đủ. Tại Việt Nam, thông thường nhà sản xuất chỉ "khoe" khi mẫu xe đạt kết quả cao, ví dụ 5 sao NCAP. Vì vậy, nếu người dùng không thấy thông tin trên website của hãng, có thể tìm kiếm kết quả thử nghiệm của các mẫu xe này trên website của đơn vị thử nghiệm.
Cuối cùng, cần ghi nhớ công nghệ an toàn chủ động hay bị động chỉ là hỗ trợ. Điều tiên quyết là tài xế cần lái xe đúng luật, văn minh và tỉnh táo. Khi muốn sử dụng các công nghệ ADAS, cần hiểu rõ cách thức vận hành của từng loại, vì đôi khi cùng tên gọi, những nguyên tắc hoạt động sẽ khác nhau. Ví dụ kiểm soát hành trình sẽ chỉ giữ ga, không có chủ động giữ khoảng cách như kiểm soát hành trình thích ứng.
"Nhiều công nghệ an toàn là tốt, nhưng tôi nghĩ xe vẫn chưa đủ thông minh để phán đoán tình huống tốt như con người, do đó an toàn nhất vẫn là tôi chủ động mọi thứ, ít nhất là trong thời điểm hiện tại", Phạm Nguyên, một tài xế ở Vũng Tàu, chia sẻ.