LỖI SƠ ĐẲNG KHI VÀO MUA MÀ CÁC "TÀI MỚI" NÊN BIÉT
Mục lục nội dung:
Chiếc xe bán tải Ford Ranger khi đang đổ dốc đèo trên quốc lộ 4D ở Lai Châu đã mắc phải lỗi sơ đẳng vốn được các "tài già" nhắc đến như một kinh nghiệm lái xe phải nằm lòng.
Tình huống va chạm do lỗi sơ đẳng
Tình huống va chạm giữa hai xe bán tải xảy ra vào ngày 18/6 trên tuyến quốc lộ 4D, đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Dương, tỉnh Lai Châu.
Theo đoạn video do camera hành trình trên ô tô đi phía sau chiếc bán tải Ford Ranger ghi lại, thời điểm này chiếc xe Ford đang đổ đèo và khi vừa vào khúc cua tay áo đã để phần đuôi phía sau bên lái va chạm với đầu của một xe bán tải khác nhãn hiệu Mitsubishi Triton đi hướng ngược lại.
Va chạm mạnh khiến cả hai chiếc xe văng ra hai hướng ngược nhau. Hậu quả là xe Ford Ranger bị nổ lốp sau bên lái và móp méo phần hốc bánh sau, còn xe Mitsubishi Trion có vẻ bị khá nặng khi toàn bộ cụm đèn và mặt trước bên lái bị vỡ nát.
Từ đoạn video trên, có thể thấy tài xế xe bán tải Ford Ranger đã mắc phải lỗi sơ đẳng khi lái xe đường đèo núi, để xe ôm cua lấn quá nhiều sang làn xe ngược chiều nên không kịp xử lý khi có ô tô khác lao đến ở góc khó quan sát.
"Tiến bám lưng, lùi bám bụng"
Lâu nay, giới lái xe lâu năm (hay còn gọi là tài già) thường đúc kết những kinh nghiệm lái xe thành những câu ngắn gọn, dễ nhớ, trong đó có "tiến bám lưng, lùi bám bụng". Trong tình huống hai xe bán tải va chạm với nhau, dường như tài xế xe Ford Ranger đã không thấm nhuần được câu khẩu quyết này.
Theo các "tài già", nếu ví một đoạn đường cong như cơ thể con người thì phần đường cong rộng hơn giống như lưng, còn đường cong hẹp hơn là bụng. Theo đó, khi tiến và lùi ở những đoạn đường cong, chúng ra phải áp dụng các quy tắc di chuyển ngược nhau.
Mô phỏng câu nói "Tiến bám lưng, lùi bám bụng".
"Tiến bám lưng" có nghĩa là khi đi theo hướng về phía trước ở đoạn đường cong, nếu không muốn bánh sau bị “chém vỉa" thì phải mở rộng vòng cua để phía đầu xe sát với phần lưng của đường.
Trường hợp này áp dụng như khi phải điều khiển xe rẽ vào một cổng hẹp, chúng ta phải lấy rộng góc cua và căn đầu xe ở phía trụ cổng phía xa (bám lưng). Nếu tiến vào cổng hẹp mà căn ở phía trụ gần (bám bụng) thì rất dễ lâm vào cảnh "đầu xuôi nhưng đuôi không lọt", có thể bị cạ phần thân xe vào trụ.
Với các cung đường đèo dốc có nhiều khúc cua gấp, việc bám lưng còn giúp lái xe không bị "đè vạch" lấn sang phần đường đối diện hoặc "tụt" bánh sau xuống rìa đường, nhất là đối với những chiếc xe có kích thước dài.
Ngược lại, “lùi bám bụng” có nghĩa là khi lùi lại cần bám sát lốp phía sau vào đường cong nhỏ “bụng” để tạo cho phần đầu xe góc lùi lớn hơn, giúp cho phần bánh trước không bị chèn ép ra ngoài đường.
Trường hợp này khá hay gặp phải khi chúng ta phải lùi xe vào các vị trí đỗ ở chung cư hay trung tâm thương mại. Khi lùi xe và đánh lái về phía bên nào, lái xe sẽ cố gắng căn mép xe phía sau vào sát xe bên cạnh hoặc vạch sơn của phía bên đó để xe “vào chuồng” được dễ và gọn gàng nhất.
Nguồn video: OFFB