LIỆU RẰNG VỎ RUNFLAT CÓ PHẢI LÀ “CÂY ĐŨA THẦN”???
Mục lục nội dung:
“Xịt” vỏ (lốp) thường xảy ra vào những thời điểm rất éo le - không thích hợp. Để đi tiếp an toàn, bạn cần tấp vào lề để gọi hỗ trợ thay thế vỏ dự phòng. Bạn có thể tự làm điều đó, nhưng đôi khi trên xe lại chẳng có dụng cụ, phụ tùng, hoặc là bạn chưa có kinh nghiệm thay vỏ. Khi ấy, Vỏ Runflat có thể là một giải pháp để thay thế cho vỏ dự phòng, giúp bạn tiếp tục chạy đến nơi thay vỏ.
THẾ NÀO LÀ VỎ RUNFLAT???
Ý tưởng vỏ Runflat được hãng vỏ Michelin đưa ra vào năm 1930, đến năm 1935 nó được hỗ trợ thương mại hoá với loại vỏ có lớp lót bên trong bằng vải hoặc xốp đặc biệt và được quảng cáo là có tác dụng chống nổ vỏ - là một hiện tượng “ám ảnh” vào những năm 1930.
Ban đầu nó được bán cho mục đích quân sự, hoặc các phương tiện chuyên dụng như xe bọc thép của ngân hàng vì khi ấy nó quá đắt để sử dụng cho nhu cầu cá nhân. Đến năm 1980 nó bắt đầu được giới thiệu và đẩy mạnh ra thị trường cho xe cá nhân, và phát triển cho đến ngày nay với tên gọi phổ biến là lốp / vỏ Runflat.
ĐẶC TÍNH:
Đặc điểm của vỏ Runflat đó là nó hỗ trợ "cõng" toàn bộ trọng lượng xe trong thời gian ngắn khi bị đâm thủng và mất áp suất hơi hoàn toàn (áp suất hơi = 0), giúp bạn Bạn có thể chạy thêm khoảng cách 90-100 km với tốc độ 80-90 km/h để đến nơi sửa chữa (cửa hàng vỏ) an toàn để thay thế vỏ mới. Trong một số trường hợp tuỳ vào loại xe, chủng loại vỏ, điều kiện mặt đường với một tốc độ phù hợp, nó có thể giúp bạn di chuyển thêm từ 40-300 km khi không còn hơi. Tuy nhiên, trên thực tế là, để đánh đổi lấy việc này bạn sẽ chịu đựng cảm giác rung lắc, ghìm lái vì xe bị lệch sang một bên và ồn, nên bạn chỉ có thể chạy với vận tốc 40-50 km/h mà thôi.
PHÁT TRIỂN:
Động lực để công nghệ làm vỏ Runflat phát triển được như ngày nay chính là các hãng xe sang như: BMW, Mercedes, Cadilac, Lexus, … với quan điểm cũng rất “sang" đó là: nên thay đồng bộ 4 vỏ cho 1 lần thay, không cần đảo vỏ trong suốt quá trình sử dụng. Định mức thay vỏ là khoảng 35.000-40.000 km và cần phải thay MỚI khi vỏ bị hư hỏng hoặc đâm thủng.
VỎ RUNFLAT CÓ BAO NHIÊU LOẠI?
Có 03 công nghệ chính được sử dụng trong vỏ RunFlat và nó cũng phân ra làm 03 loại, đó là: Tự hỗ trợ, Hỗ trợ phụ và Tự hàn kín:
1. Tự hỗ trợ: Là loại phổ biến nhất hiện nay vì giá thành thấp nhất và tính năng được đảm bảo nhất. Loại vỏ Runflat này có kết cấu thành bên - hông vỏ - được gia cố, tăng khả năng hỗ trợ xe trong trường hợp Vỏ bị mất áp suất. Thành bên sẽ duy trì việt kết nối với vành giúp xe có thể di chuyển tiếp. Các thương hiệu phổ biến trong công nghệ này có thể kể đến như Continental SSR, Bridgestone RFT, GoodYear EMT, Michelin ZP, Yokohama Run-Flat và Pirelli RFT, …
2. Hỗ trợ phụ: Là loại có chứa 1 lõi (vòng cao su hoặc vật liệu tương tự) ở bên trong vỏ, hỗ trợ cho độ chùn cho lớp Vỏ bên ngoài khi bị xì hơi giúp xe êm ái hơn. Loại này thì vỏ khá ì & nặng, chi phí cũng cao nên thường dùng cho xe quân sự, xe bọc thép, xe chuyên dụng, … Các thương hiệu ở nhóm náy có: Pirelli Scorpion Zero Runflats, GoodYear Eagle Sport, Bridgestone DriveGuard, …
3. Tự hàn kín: Loại này có thêm một lớp lót ngay bên dưới mặt vỏ có chứa chất bịt kín lỗ thủng. Chất bịt kín này sẽ tự động tràn vào lỗ thủng có đường kính 4-5mm. Điển hình ở nhóm công nghệ này là các thương hiệu Continental ContiSeal, Pirelli’s Seal Inside, Michelin’s Selfseal, …
CÁCH NHẬN BIẾT XE BẠN CÓ GẮN VỎ RUNFLAT HAY KHÔNG???
1. Xe bạn không có Vỏ dự phòng: Khả năng cao là nó đang được lắp Vỏ Runflat. Hầu hết các dòng xe sang và các thương hiệu như BMW, Lexus, hay Mercedes là những nhà thường lắp vỏ Runflat cho các dòng xe gầm cao SUV, CUV của họ.
2. Quan sát trực tiếp trên vỏ xe có các kí hiệu:
Thương hiệu vỏ | Mã nhận biết vỏ Runflat |
Bridgestone | RFT / ROF |
Dunlop | DSST / ROF |
Continental | SSR |
Michelin | ZP |
GoodYear | EMT / ROF |
Pirelli | RSC / Run Flat |
Yokohama | RF / ZPS |
Những mã nhận biết trên có nghĩa là Run On Flat, Run Flat Tire, Self Support Runflat/ Tire, Zero Pressure, Extended Mobility Technology,…
3. Sách hướng dẫn sử dụng xe: nó sẽ hướng dẫn mọi điều bạn cần biết về vỏ Runflat và hệ thống TPMS (hệ thống giám sát áp suất vỏ) nếu như vỏ được lắp (vỏ OE) theo xe là Runflat. Nhìn vào bảng điều khiển bên ghế lái để biết đèn cảnh báo áp suất vỏ TPMS: đèn sẽ bật sáng để cảnh báo khi áp suất trong vỏ đang thấp.
CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA VỎ RUNFLAT:
1. Đối với loại vỏ Tự hỗ trợ: theo một kích bản lý tưởng thì khi bị đâm thủng, Vỏ sẽ giúp cho xe tiếp tục di chuyển nhờ 2 thành bên vỏ - hông vỏ - được gia cố.
2. Đối với loại vỏ Runflat Hỗ trợ phụ: trọng lượng mà toàn bộ vỏ vị xẹp đang gánh sẽ chuyển lên mặt lõi bên trong, tức là nó sẽ chuyển trách nhiệm cơ học của lớp vỏ Runflat bên ngoài sang lớp lõi bên trong chắc chắn hơn, giảm gánh nặng cho vỏ chính.
3. Đối với loại Tự hàn kín: khi bị thủng, phụ thuộc vào vật đâm có dính vào vỏ hay không? Nếu có, hợp chất bịt kín sẽ tràn bao quanh vật đâm và bịt kín kẽ hở của nó với phần còn lại của vỏ; còn nếu không, chất bịt kín này sẽ trám đầy lỗ thủng.
BẠN SẼ NHẬN GÌ SAU KHI CƠ CHẾ RUNFLAT CỦA VỎ HOẠT ĐỘNG?
Bill mua vỏ mới (Còn vỏ gì là tuỳ bạn nhé)! Vì như đã nói giá vỏ Runflat thường cao hơn gấp đôi vỏ thông thường.
Mà vì sao phải mua mới???
Khi Vỏ bị đâm thủng hoặc mất áp, cơ chế Runflat của Vỏ sẽ hoạt động để xe bạn tiếp tục di chuyển. Và sau đó, vỏ Runflat sẽ không thể sửa chữa hoặc vá được! Các nhà sản xuất cũng khuyến nghị Bạn không nên sửa chữa vỏ Runflat bị hỏng, vì khi lái xe với áp suất vỏ quá thấp hoặc không có áp suất, nó sẽ tàn phá cấu trúc Runflat bên trong của vỏ xe và khiến cho nó không còn an toàn nữa.
Bên ngoài nhìn thì có vẻ ổn nhưng thực sự nó đã bị hư hỏng nghiêm trọng ở bên trong: thành vỏ bên trong có thể bị rách và lực va chạm có thể khiến bánh xe có thể bị cong - biến dạng. Vì thế Bạn buộc phải thay vỏ mới rất đắt tiền - gấp 2 hoặc thậm chí gấp 3 lần vỏ thông thường!!!
VẬY THÌ CHÚNG TA CÙNG THỬ ĐÁNH GIÁ XEM ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA 1 BỘ VỎ RUNFLAT THẾ NÀO NHÉ!
Vỏ Runflat hữu ích và tiện lợi trong trường hợp vỏ bị thủng trên đường, thế nhưng nó không dành cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy xem ưu nhược điểm của nó thế nào để có quyết định phù hợp:
ƯU ĐIỂM:
-
Cho phép xe chạy tiếp trong trường hợp vỏ bị xịt: bạn không phải dừng lại bên đường để chờ cứu hộ - đặc biệt là ở những khu vực nguy hiểm hay trời đang mưa —> sự thuận tiện có điều kiện trong 1 LẦN DUY NHẤT.
-
Có độ ổn định hơn khi lái xe trong tình trạng vỏ bị mất áp: nó có thể duy trì hình dạng của vỏ và vẫn chịu được trọng lượng của xe. Về lý thuyết thì nó sẽ mang lại khả năng lái và xử lý gần như bình thường để bạn có thể đến xưởng sửa chữa ở gần đó.
-
Giảm trọng lượng và tăng không gian xe: vì thiết kế không cần mang theo vỏ dự phòng và dụng cụ để thay thế.
NHƯỢC ĐIỂM:
-
Giá cao và khó tìm mua: vì sẽ có ít cửa hàng bán sẵn có (do giá cao, xe ít phổ biến nên không bán chạy), những cửa hàng làm vỏ thông thường thường không có loại vỏ này. Vì thế nếu bạn có chạy được đến điểm làm vỏ gần nhất, thì chưa chắc là chỗ đấy có bán loại vỏ này, họ có thể gọi mang đến và bạn sẽ phải chờ đợi, thậm chí mất vài ngày để chuyển từ khu vực tỉnh thành khác đấy!
-
Xe không có dụng cụ hỗ trợ: ít nhất là kích xe và dụng cụ, vì nhà sản xuất xe trang bị loại vỏ Runflat sẽ không có những dụng cụ kèm theo đâu nhé vì mục đích chính của họ là muốn thêm không gian xe để phân bổ cho những mục đích khác: kiểu dáng, hàng ghề thứ ba, tăng dung tích khoang hành lý, …
-
Mòn nhanh hơn vỏ thông thường: không ít đâu nhé - khoảng 9.000-10.000 km đấy! Có một giả thiết cho rằng các nhà sản xuất loại vỏ này sử dụng hợp chất cao su mềm hơn vỏ thông thường cho mặt vỏ Runflat để bù lại cảm giác lái chịu do hông vỏ dày và cứng hơn, và vì vậy mà tuổi thọ sẽ ngắn hơn.
-
Khó biết được nó có bị non hơi (thiếu áp suất) hay không: vì khi áp suất hơi bị thiếu thì cơ chế Runflat sẽ hoạt động và bạn khó có thể cảm nhận được. Khi điều xảy ra, có thể bạn phải thay mới cả bộ vỏ - chỉ vì bị non hơi, mà chưa chắc là do đâm thủng! Thế nên, hệ thống cảm biến / giám sát áp suất vỏ (TPMS) là rất cần thiết và nó phải luôn trong tình trạng hoạt động tốt để kiểm tra áp suất hơi thường xuyên.
-
Lái xe có phần khắc nghiệt và cứng ráp hơn: là do các thành bên cứng hơn nên cảm giác lái của bạn cũng sẽ khó chịu hơn đấy, cho dù là khi trang bị vỏ Runflat thì nhà sản xuất ô tô thường có những điều chỉnh cho hệ thống treo để bù lại cảm giác lái khó chịu đó.
-
Vỏ Runflat vẫn có thể bị nổ: nếu người lái không chú ý các cảnh báo và lái xe vượt quá phạm vi áp suất cho phép (đường gồ ghề, xe đang chở nặng), hoặc vượt quá giới hạn tốc độ, … vỏ Runflat sẽ bị vỡ vụn, tan rã và gây ra hiện tượng mất ổn định như vỏ thông thường. Ngoài ra, nếu vỏ Runflat bị chém/ cắt hông hoặc va vào những chướng ngại lớn, bạn sẽ phải gọi xe kéo đấy!
-
Một điểm trừ nữa rất Việt Nam là, vỏ Runflat không thể sửa chữa hoặc vá sau khi cơ chế này được kích hoạt. Bạn phải thay 01 bộ vỏ mới với giá đắt đấy.
-
Thêm 1 tin không vui nữa là, số liệu thống kê cho thấy người sử dụng xe trang bị vỏ Runflat có nguy cơ phải thay vỏ do xẹp hoặc nổ cao gần gấp đôi so với người sử dụng vỏ thông thường! Và nếu giá Runflat gấp đôi vỏ thường thì có nghĩa là nó đang cost mình đến gấp 4 lần lận đó!!
VẬY XU THẾ SỬ DỤNG VỎ RUNFLAT ĐANG RA SAO?
Với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới, nhất là khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cũng như những quy định về gia tăng sự an toàn cho phương tiện khi vận chuyển tại các thị trường như Bắc Mỹ, Châu Âu, cùng những quy định nghiêm ngặt của các Chính phủ và mối quan tâm ngày càng tăng về hiệu quả sử dụng nhiên liệu, khí thải - môi trường (xe trang bị vỏ Runflat có trọng lượng nhẹ hơn và vỏ runflat cho lực cản lăn thấp hơn), các hãng xe muốn tăng tiện nghi, an toàn, sự thuận tiện cho chủ xe, … nên nhu cầu vỏ Runflat có điều kiện phát triển và số xe sử dụng tăng gấp đôi trong thập kỷ qua - nó chiếm khoảng 16% số xe mới (theo dữ liệu của Edmunds), tỉ lệ này ở nhóm xe sang còn cao hơn (lưu ý là xe sang tại Việt Nam chỉ chiếm tỉ lệ chưa đến 5%).
Tuy nhiên, dường như chúng đã đạt đến mức ổn định (lượng xe sử dụng vỏ runflat giữ nguyên mức 14-16% trong vài năm qua). Có thể nói Vỏ Runflat thật sự hữu ích cho những chiếc xe không có chỗ cho vỏ dự phòng. Chúng mở rộng khả năng di chuyển, hạn chế chuyện bị mắc kẹt ở những khu vực không an toàn hoặc phải thay vỏ trong điều kiện thời tiết xấu, nhưng không phải xe nào cũng thực sự hữu ích
XE ĐANG ĐƯỢC TRANG BỊ VỎ RUNFLAT (OE) CÓ THỂ CHUYỂN SANG SỬ DỤNG VỎ THÔNG THƯỜNG VÀ NGƯỢC LẠI HAY KHÔNG?
Câu trả lời là được Bạn nhé!
Bạn có thể chuyển đổi sử dụng vỏ thông thường cho xe đang được trang bị vỏ Runflat hay ngược lại. Tuy nhiên, khi chuyển đổi, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe nên điều cần thiết là bạn nên đến Trạm dịch vụ của hãng ô tô để điều chỉnh lại hệ thống treo, giảm sốc, phanh đồng thời cũng cần thiết lập và cài đặt lại thông số khi chuyển đổi nhé.
Hãy nhớ là khi chuyển từ vỏ Runflat được lắp theo xe (OE) thành vỏ thường, chúng ta nên trang bị thêm vỏ sơ cua và bộ dụng cụ để thay, vá vỏ khẩn cấp.
Một điểm lưu ý nữa là khi chuyển đổi, chúng ta nên thay đồng bộ vỏ cho cả 4 bánh, tức là không nên sử dụng 2 loại vỏ cả thông thường và Runflat trên cùng 1 xe.
TÓM LẠI
-
Vỏ Runflat cho phép bạn tiếp tục lái xe an toàn đến địa điểm mà bạn có thể THAY MỚI VỎ trong trường hợp vỏ bị thủng (xịt) mất áp suất. Điều này giúp bạn không phải dừng xe trên đường và thay vỏ trong môi trường rủi ro, vắng vẻ, tuy nhiên vỏ Runflat bị thủng (xịt) có quãng đường đi được khá hạn chế và phải được thay thế ngay lập tức.
-
Khi vỏ bị thủng (xịt), bạn phải giảm tốc độ lái xe. Hãy kiểm tra thông số kỹ thuật của nhà sản xuất vỏ để biết tốc độ và khoảng cách tối đa mà bạn có thể lái xe. Hầu hết các Vỏ runflat có thể chạy với tốc độ tối đa 80 km/h cho quãng đường lên tới 80 km.
-
Bạn không nên sửa hay vá vỏ Runflat để dùng tiếp vì độ bền, cấu trúc của nó có thể bị tổn hại sau khi bị thủng. Tuy nhiên, bạn có thể tạm thời vá những vết thủng nhỏ như cách làm trên vỏ xe thông thường.
-
Giá vỏ Runflat khá là cao và cũng khó tìm mua, tức là không phải tiệm làm vỏ nào cũng có bán, điều này liên quan đến chi phí và sự bất tiện khi thay thế.
-
Có thể nói rằng, vỏ Runflat chỉ thật sự phù hợp và hữu ích cho những phương tiện phục vụ nhu cầu đặc biệt như: Xe Quân đội, Xe VIP, Xe chở tiền hoặc hàng hóa giá trị cao, và một số lựa chọn xe sang cá nhân được hãng xe trang bị sẵn loại vỏ này.
-
Có rất nhiều điều để nói về sự yên tâm khi lái xe trên bộ vỏ Runflat khi vỏ bị thủng, thế nhưng theo 1 số quan điểm thì nên bỏ qua việc lựa chọn loại vỏ này đi! Đặc biệt là ở Việt Nam, phân tích từ điều kiện đường sá, chi phí cho các dịch vụ làm vỏ, cứu hộ khẩn cấp không quá cao và khá dễ dàng thuận tiện, mật độ cửa hàng bán / thay vỏ, và nhất là giá của vỏ Runflat thì chúng ta càng cần cân nhắc thêm.
-
Ích lợi với điều kiện một lần là tốt, nhưng trong bức tranh toàn cảnh thì với vỏ Runflat, chúng ta có thể gặp nhiều rắc rối hơn giá trị của chúng - nhược điểm nhiều hơn ưu điểm! Vỏ Runflat cũng khiến cho cảm giác lái của chúng ta cứng ráp hơn, không êm ái, mượt mà như vỏ thông thường. Đó cũng là lý do khiến thị phần vỏ Runflat nhỏ và đang có dấu hiệu chựng lại trong vài năm trở lại đây.
-
Tóm lại, cho dù Bạn chọn sử dụng loại vỏ nào đi nữa - Runflat hay thông thường - điều quan trong nhất đó là Bạn phải luôn đảm bảo áp suất hơi cho Vỏ xe của mình phải luôn ĐỦ và ĐÚNG. Để mọi chuyến đi luôn an toàn hanh thông, chúng ta nên tạo thói quen theo dõi và kiểm tra tình trạng Vỏ thường xuyên. Nhất là chuẩn bị cho những chuyến đi xa, phải kiểm tra và đảm bảo Vỏ xe luôn trong tình trạng, điều kiện tốt nhất.