Công nghệ lốp xe thông minh Continetal
Mục lục nội dung:
Công nghệ lốp xe thông minh Continetal hứa hẹn sẽ là bước đột phá đối với ngành công nghiệp xe hơi thế giới, và theo lộ trình thì đến năm 2017 sẽ phổ biến rộng rãi trên nhiều mẫu xe.
Lốp, dầu bôi trơn và đèn chiếu sáng là những thành phần mà bất kì một lái xe nào cũng có thể kiểm tra rất nhanh chỉ trong vòng vài phút. Tuy nhiên chúng đều là thành phần tối quan trọng đảm bảo cho mỗi chiếc xe vận hành được trên đường. Trong số này, có lẽ lốp xe là thành phần quan trọng nhất với hai tiêu chí đáng quan tâm nằm ở tình trạng tổng thể và độ sâu rãnh lốp.
Chỉ khi lốp tốt, được bơm đủ hơi mới đảm bảo cho bạn khả năng dừng và điều khiển xe “chuẩn” – kể cả trong điều kiện thời tiết xấu. Bên cạnh đó, nhiều lợi ích khác của một bộ lốp tốt cũng có thể kể tới như tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn khi chạy xe ở tốc độ cao. Chính vì điều này, mới đây Continental đã ra mắt thêm một công nghệ mới nhằm cho phép người dùng kiểm soát tốt hơn tình trạng lốp trên xe của mình.
Thông qua các cảm biến mới được phát triển thành công cùng phần mềm thông minh, Continental có thể thăm dò không chỉ áp suất lốp mà còn cả tải trọng và độ sâu rãnh. Sự khác biệt trong các vòng quay của lốp sẽ cho phần mềm biết được thời điểm nào là lúc cần phải “xử lý” lốp mòn. Điều này sẽ cho phép lái xe gần như luôn có thể đảm bảo một bộ lốp ở tình trạng hoàn hảo. Hãng sản xuất Đức dự kiến sẽ đưa ra tính năng này dưới dạng trang bị mặc định trên những mẫu xe có tùy chọn hệ thống giám sát áp suất lốp (do Continental cung cấp) kể từ 2017.
Tại Mỹ, mức sâu rãnh lốp hợp pháp là 1/16 inch. Tuy nhiên phần lớn các nhà sản xuất đều khuyến cáo người dùng nên thay lốp trước khi đạt giới hạn này nhằm đảm bảo an toàn trước thời tiết thay đổi bất thường. Trog khi thực tế có khá nhiều các mẹo hay thủ thuật để đo đếm độ sâu còn lại của rãnh lốp, giải pháp của Continental lại hoàn toàn thuần chất công nghệ cao.
Bản thân việc thử nghiệm trong một thời gian dài đã cho phép họ lập được bảng thống kê chỉ ra được sự khác biệt trong vận hành quay của lốp bị mòn quá mức so với lốp mới. Khi đó, các cảm biến sẽ phát tín hiệu cảnh báo tới tài xế để có phương án khắc phục. Theo Continental, về lâu dài, công nghệ này cũng có thể được kết nối với các nhà cung cấp lốp hoặc đại lý dịch vụ chăm sóc xe để họ giám sát tình trạng và cung ứng dịch vụ một cách chủ động – dĩ nhiên là phải có sự đồng ý của chủ xe.
Dĩ nhiên, các loại lốp mới của Continental khi có mặt trên thị trường sẽ vẫn có các vạch dấu báo hiệu tình trạng mòn theo như truyền thống. Vì thế, nếu bạn là những người có thói quen kiểm tra lốp bằng mắt một cách thường xuyên – một điều tuyệt vời – bạn vẫn sẽ có thể làm điều đó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong tương lai, các cảm biến thông minh sẽ được tích hợp thẳng vào bên trong lớp cao su lốp – thay vì lắp ngoài như hiện nay. Sự xuất hiện của các loại chip bán dẫn hay cảm biến thông minh mới từ các hãng công nghệ thông tin (như ARM), và các kết nối thế hệ mới rất tiết kiệm năng lượng (màBluetooth 4.0 BLE là điển hình) cùng phần mềm đang chắp cánh cho hàng loạt công nghệ thông minh mới trên xe hơi.
Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta đang tiếp cận tới thời đại của những loại chip, cảm biến bán dẫn mới trên phương tiện giao thông của mình. Những chip này có tích hợp sẵn công nghệ thu phát sóng radio (đủ để tạo ra mạng lưới thông tin) và đủ nhỏ để không chỉ có thể tích hợp vào giữa các lớp vỏ lốp (như Continental đang làm) mà về lâu dài, chúng thậm chí có thể được pha lẫn vào cao su, sơn, bê tông/nhựa mặt đường cũng như nhiều vật liệu phổ thông khác nhằm thông minh hoá toàn bộ hạ tầng giao thông cũng như các yếu tố liên quan.
Hướng đi này sẽ tạo ra vô số các ứng dụng cực kì hữu dụng và ẩn chứa tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Những cảm biến “nhúng” cực kì nhỏ và tiêu thụ mức năng lượng đặc biệt thấp khiến cho việc cung cấp nguồn thậm chí là… không cần thiết (về lý thuyết thời gian vận hành của mỗi cảm biến có thể đạt từ 10 đến 15 năm kể từ khi xuất xưởng).
Trên thực tế, công nghệ giám sát độ sâu rãnh lốp mới chỉ là một phần trong nỗ lực “thông minh hoá” phụ tùng quan trọng này của Continental. Đã từ lâu, họ liên tục đưa ra các hệ thống giám sát – thứ luôn đem lại lợi ích nhờ việc duy trì theo dõi tình trạng vận hành của lốp – để cảnh báo người lái khi có điều bất thường xảy ra. Vào năm 2002, Continental đã đưa ra các cảm biến áp suất lốp – thứ sau đó được yêu cầu là trag bị tiêu chuẩn bán ra trên các dòng xe tại châu Âu (từ 2014). Điều thú vị thực sự nằm ở chỗ: dưới góc nhìn kĩ thuật, sự hiện diện của cảm biến áp suất lốp không đơn thuần chỉ là một tính năng. Thay vào đó, nó đã mở ra một hướng đi mới – tạo được mối liên kết đầu tiên giữa một trong những thành phần quan trọng nhất trên xe đối với người ngồi trong buồng lái.
Kể từ đó, hàng loạt các tính năng mới đã được Continental và nhiều đối tác phát triển – điển hình như cơ chế Filling Assistant cho phép hiển thị số liệu áp suất ngay trên điện thoại thông minh hay Load Detection – phần mềm cho phép kiểm soát mức tải trên mỗi lốp (thông qua việc phát hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình quay của mỗi lốp). Trong khi Filling Assistant có lợi cho bất cứ lái xe nào, công nghệ Load Detection lại đặc biệt hữu ích cho các dòng xe tải, bán tải hoặc những chủ xe thường xuyên kéo theo các rơ móc phía sau. Ngay khi lượng hàng hoá được chất lên đạt đúng ngưỡng với khả năng chịu của lốp, xe sẽ phát cảnh báo. Ngoài việc phục vụ cá nhân như mô tả, những tính năng như thế này cũng sẽ là thành phần quan trọng đối với các giải pháp giao thông thông minh hay xe tự hành (xe có thể tự điều chỉnh tốc độ di chuyển an toàn so với tải trọng hay tương tác với nhau để ưu tiên xe tải nặng hơn trên đường chẳng hạn).